Mỹ - Trung thống nhất cơ chế đàm phán 6 tháng một lần về cải cách và giải quyết tranh chấp

Ngày 11/01, Wall Street Journal cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất khởi động lại các cuộc đàm phán theo cơ chế 6 tháng một lần nhằm giải quyết tranh chấp kinh tế giữa hai nước, một quá trình đã bị lãng quên kể từ thời bắt đầu chính quyền Tổng thống Trump khi xung đột thương mại giữa các nước leo thang.

Việc nối lại Đối thoại kinh tế toàn diện của Mỹ và Trung Quốc sẽ được công bố vào ngày 15/1 như là một phần của việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước.

my trung thong nhat co che dam phan 6 thang mot lan ve cai cach va giai quyet tranh chap
Ảnh minh họa

Các cuộc họp định kỳ sẽ mang lại một diễn đàn cho cuộc đối thoại cấp cao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và các cuộc họp này sẽ tách biệt với các cuộc đàm phán gay gắt về mối quan hệ thương mại của Mỹ-Trung. Các phiên họp có thể sẽ được dẫn dắt bởi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Hai bên đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm, với việc sử dụng thuế nhập khẩu của cả hai bên đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và giáng một đòn mạnh vào niềm tin kinh doanh.

Cơ chế Đối thoại kinh tế chiến lược hai năm một lần được bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush như một cách để hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới quản lý hàng loạt vấn đề nảy sinh khi nền kinh tế Trung Quốc và xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ mở rộng nhanh chóng vào đầu những năm 2000. Cơ chế này được tiếp tục thực hiện dưới thời Tổng thống Barack Obama và thời kỳ ban đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Vòng đối thoại đầu tiên dưới thời chính quyền Trump đổi tên thành Đối thoại kinh tế toàn diện được tổ chức vào tháng 7/2017. Nhưng các phiên họp thường xuyên, các vấn đề phức tạp thường bị chỉ trích là quá nặng nề và không có nhiều kết quả hữu hình, đã bị từ bỏ khi chính quyền Trump chuyển sang cách tiếp cận đối đầu hơn với Trung Quốc dựa vào việc sử dụng thuế quan để gây áp lực cho nước này.

V.D

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.